Chủ đề chính Rắn và khuyên lưỡi

Các phân tích học thuật về Rắn và khuyên lưỡi đều tập trung vào những chủ đề như sự phản kháng của một nhóm người, vai trò của giới tính, cũng như vấn đề hàng hóa hóa. Nhà nghiên cứu văn hóa Mark Driscoll, viết trên tạp chí Cultural Critique, lập luận rằng trong khi việc xăm mình, tự làm hại bản thân và các hoạt động tình dục bạo lực được mô tả một cách rõ nét, thể hiện những tiểu văn hóa xa lạ hoàn toàn với nhiều độc giả, thì bức chân dung mà Kanehara Hitomi vẽ nên về các nhân vật của cô, thể hiện rằng họ là những "kẻ theo chủ nghĩa tiêu thụ, sống khép mình và không muốn hoặc không thể giao tiếp với những người không giống mình", đã khẳng định lại một lần nữa những định kiến ​​phổ biến về thanh thiếu niên Nhật Bản, đặc biệt là những người làm việc bán thời gian được gọi là những furītā.[1]:182 Viết trên tạp chí Japanese Language and Literature, David Holloway cũng đưa ra ý kiến tương tự, cho rằng dù được mô tả như một nhân vật sống ngoài lề xã hội, bất tuân quy tắc, nhưng cuối cùng Lui lại là hình mẫu mà phụ nữ Nhật Bản kỳ vọng về vai trò của người phụ nữ của gia đình trong xã hội chính thống.[2]

Trên tạp chí Japan Forum, Rachel DiNitto cho rằng các yếu tố tiểu văn hóa của tác phẩm đã thể hiện sự phản kháng với văn hóa chính thống Nhật Bản và điều đó thực sự phản ánh một sự thiên vị với văn hóa phương Tây. Thay vào đó, cô đề xuất rằng Kanehara Hitomi nên thể hiện sự phản kháng trong tác phẩm của mình thông qua quá trình trải nghiệm cơ thể của Lui trong một xã hội đặt nặng vào vấn đề hàng hóa hóa và thực tại ảo.[3] Reuben Welsh cũng có cách diễn giải tương tự, chỉ ra hành động mà Lui nghiến nát và ăn những chiếc răng mà Ama tặng cô trong tác phẩm như một "hành động hấp thụ một cách tự nhiên", một "điều gì đó bền vững và có giá trị trong một nền văn hóa tiêu dùng không bền vững".[4]:164 Trong khi đó, cả Rachel DiNitto và David Holloway cũng thừa nhận rằng Rắn và khuyên lưỡi có nét tương đồng với các tác phẩm văn học Nhật Bản được xuất bản ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, như tác phẩm Nikutai no mon của Taijiro Tamura. Các nhân vật trong tác phẩm này đã lấy lại quyền kiểm soát về cơ thể của họ sau một quá trình bị ép buộc, để rồi họ sử dụng cơ thể của họ như như một phương tiện để phản kháng.[3][5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rắn và khuyên lưỡi https://doi.org/10.1353%2Fcul.2007.0004 https://doi.org/10.1080%2F09555803.2011.617460 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:145804532 https://api.semanticscholar.org/CorpusID:145255874 https://www.jstor.org/stable/24891980 https://www.theguardian.com/books/2005/may/30/japa... https://www.theguardian.com/books/2005/jul/16/feat... https://web.archive.org/web/20190207234701/https:/... https://web.archive.org/web/20180731103735/http://... https://web.archive.org/web/20190130053449/https:/...